Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Ninh Thuận năm 2020, tổng đàn bò của tỉnh là 118.836 con, chủ yếu giống bò vàng địa phương, tầm vóc nhỏ, năng suất, chất lượng và tỷ lệ thịt xẻ đạt thấp (45%); tỷ lệ Sind hóa đàn bò mới chỉ đạt (49,9%). Giá trị sản xuất toàn ngành đạt 11.543,298 tỷ đồng, trong đó chăn nuôi đóng góp 1.283,562 tỷ đồng, chiếm 11,11%. Nhìn chung, chăn nuôi bò trong thời gian qua mang lại lợi nhuận tương đối ổn định, từng bước trở thành nghề chính trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Tuy nhiên, phương thức chăn nuôi quảng canh, chưa tập trung, chủ yếu giống bò địa phương cho sinh sản, nuôi kiêm dụng, phối giống thiếu kiểm soát gây hiện tượng đồng huyết, ảnh hưởng năng suất, chất lượng đàn bò.
Để giúp người nông dân biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò, đẩy nhanh tỷ lệ đàn bò lai hướng thịt có năng suất chất lượng cao sản xuất hàng hóa và phát triển bền vững. Năm 2021, được sự quan tâm của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông thực hiện mô hình cải tạo đàn bò sinh sản hướng thịt bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo tại 2 xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước và xã Lương Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận có qui mô 190 con bò cái với 46 hộ dân tham gia (95 con/23 hộ/xã)
Đến tháng 12/2021, kết quả đạt được của dự án như sau: Đã phối có chửa 190 con (Trong đó 133 con phối giống Brahman, 57 con phối giống BBB), tỷ lệ bò cái nền phối chửa lần 1: 151/190 con, đạt 79,5%. Hiện nay, đã có 03 bê lai Brahman được sinh ra với khối lượng bình quân 29,2kg/con, cao hơn chỉ tiêu kỹ thuật của dự án 5,2kg/con (bê lai sơ sinh Brahman ≥24kg/con). Cán bộ kỹ thuật tiếp tục theo dõi số con đẻ ra, khối lượng bê lai sơ sinh và hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ tham gia mô hình.
Từ hiệu quả bước đầu mà dự án mang lại, dự án hoàn toàn có khả năng nhân rộng trên địa bàn tỉnh, không chỉ giúp bà con tăng thêm thu nhập, giải quyết việc làm của các hộ tham gia mô hình. Qua đó, giúp bà con tiếp thu được những kiến thức về chăn nuôi bò theo hướng bền vững tạo tiền đề hình thành các làng nghề chăn nuôi bò ở địa phương, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với từng vùng địa lý khác nhau, tiến tới hoàn thành các tiêu chí của chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tạo ra vùng nguyên liệu bò thịt chất lượng cao làm cơ sở để hình thành nhà máy giết mổ, chế biến thịt tập trung phục vụ cho nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân trong và ngoài tỉnh./.
Đào Thị Hồng
Trung Tâm Khuyến nông Ninh Thuận