TẬP HUẤN KỸ THUẬT NUÔI CÁ MÚ LỒNG BÈ TRÊN BIỂN
Trong khuôn khổ của dự án Khuyến nông Trung Ương “ Xây dựng mô hình nuôi cá mú trân châu thích ứng với biển đổi khí hậu gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm”. Sáng ngày 24/07/2024, Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận Phối hợp với Ủy ban xã Nhơn Hải tổ chức lớp tập huấn về:“ Kỹ thuật nuôi cá mú lồng bè trên biển”. Tham dự lớp tập huấn có Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông, phòng Kỹ thuật Khuyến nông, Lãnh đạo xã Nhơn Hải và 20 hộ ngư dân trong và ngoài mô hình nuôi thủy sản lồng bè trên biển tại xã Nhơn Hải.

Ảnh: Quang cảnh buổi Tập huấn Kỹ thuật nuôi cá mú lồng bè trên biển tại xã Nhơn Hải
Tại buổi tập huấn các ngư dân được cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn về kỹ thuật nuôi cá biển (lựa chọn giống và thả giống, chăm sóc, cho ăn, phòng và trị bệnh cá). Thông qua lớp tập huấn cũng là dịp để các ngư dân được trao đổi, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi cá có hiệu quả, tăng năng suất và giảm thiểu thiệt hại khi có sự cố xảy ra. Đặc biệt cách lựa chọn lồng và vận hành lồng nuôi sao cho phù hợp với khu vực nuôi; so sánh lồng nuôi bằng gỗ và bằng vật liệu HDPE. Qua đó, giúp ngư dân nhận thấy lồng HDPE có nhiều ưu điểm vượt trội hơn lồng bè gỗ truyền thống.
Lồng HDPE được làm bằng nhựa không thấm, có độ mềm dẻo và ổn định cao, khả năng chống oxy hóa và ăn mòn cao hơn, đa dạng về hình dạng và kích thước, độ bền cao; kết cấu lồng HDPE chịu lực có thể nuôi xa bờ, sức chống chịu trước biến đổi khí hậu như bão, sóng, gió sẽ tốt hơn lồng bè bằng gỗ, người nuôi sẽ giảm thiểu tối đa thiệt hại thủy sản nuôi khi có bão đổ bộ vào.
Vùng biển Ninh Thuận là vùng biển hở nên vào mùa gió Tây - Nam (từ tháng 4 đến tháng 9 hằng năm) các lồng bè nuôi tôm hùm, cá bớp, cá mú, cá chim,... của người dân các phường Đông Hải, Mỹ Hải, Mỹ Đông (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) ở vùng nuôi C1, C2 thuộc vùng biển xã Thanh Hải (Ninh Hải) thường di chuyển về tránh trú gây khó khăn cho công tác quản lý và ảnh hưởng đến hoạt động du lịch biển. Do đó, sử dụng lồng HDPE sẽ giúp ổn định được vùng nuôi và đưa các thiết bị tiên tiến vào trong quá trình nuôi.
Kết thúc lớp tập huấn, đa số học viên đều nắm bắt được quy trình nuôi cá biển và cách vận hành lồng nuôi để áp dụng vào thực tế sản xuất. Từ đó phát triển nghề nuôi cá lồng bè trên biển ngày càng tốt hơn thu được hiệu quả cao và bền vững góp phần tăng thu nhập và ổn định cuộc sống cho ngư dân./.
Trần Thị Thanh Linh